(Tài liệu dành cho người bệnh)
Một số câu hỏi thường gặp và bài tập hướng dẫn tập luyện sau mổ cốt sống thắt lưng. Các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng, việc tập luyện sớm sau mổ và tuân thủ sau điều trị giúp người bệnh sớm quay trở lại với hoạt động hàng ngày cũng như đạt được kết quả tốt nhất sau phẫu thuật.
TÔI CÓ BỊ ĐAU SAU MỔ KHÔNG?
Đương nhiên là có. Tuy nhiên với công nghệ hiện đại, các đường tiếp cận phẫu thuật tối ưu đã làm cho vết mổ nhỏ hơn, ít xâm lấn hơn làm giảm đau cho người bệnh. Bên cạnh đó, các phương pháp giảm đau sau mổ ngày càng phát triển, nhiều loại thuốc giảm đau tác dụng tốt giúp người bệnh phục hồi sớm sau mổ. Tập luyện sớm giúp giảm đau.
KHI NÀO TÔI CÓ THỂ BẮT ĐẦU TẬP LUYỆN SAU MỔ?
Bạn nên tập sớm nhất khi có thể, thông thường ngay ngày thứ 2 sau mổ. Tuy nhiên các bài tập phải do sự hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật hoặc chuyên gia phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân cụ thể.
Một số bài tập
Dưới đây là một số bài tập:
Vận động cổ bàn chân 2 bên
- Nằm ngửa, thả lỏng vùng thắt lưng và mông
- Gấp bàn chân về phía gối và đạp bàn chân về phía mặt giường bệnh
- Tiến hành 10 lần mỗi bên cổ bàn chân
Trượt gót chân lên xuống
- Nằm ngửa, thả lỏng vùng thắt lưng và mông
- Nhẹ nhàng và từ từ co gấp gối và duỗi gối
- Tiến hành 10 lần mỗi bên gối
Co giãn cơ vùng bụng
Nằm ngửa co gấp 2 đùi về phía bụng và 2 tay để thả lỏng ngay dưới 2 bên mạng sườn
Co cứng khối cơ bụng nhằm ôm chặt 2 bên xương sườn ép về phía lưng
Đảm bảo thở bình thường khi tập, giữ 5 giây
Thả lỏng và tiến hành 10 lần mỗi bên cổ bàn chân
Nâng toàn bộ chân
- Nằm ngửa với 1 chân duỗi thẳng và 1 chân gấp
- Co cứng khối cơ bụng nhằm cố định vùng cột sống thắt lưng
- Từ từ nâng chân ở tư thế duỗi thẳng cao khoảng 15 – 30 cm, giữ từ 1 – 5 giây (tùy bệnh nhân)
- Hạ thấp chân dần dần
- Lặp lại 10 lần cho mỗi bên chân
Bài tập gập gối vào ngực
- Nằm ngửa ở tư thế gấp 2 gối
- Dùng 2 tay giữ phần sau đùi và kéo gối về phía ngực
- Giữ 20 giây, sau đó thả lỏng
- Lặp lại 5 lần mỗi bên chân
Căng giãn gân cơ khoeo chân
- Nằm ngửa gấp 2 gối
- Dùng 2 tay giữ phần sau đùi
- Duỗi thẳng gối từ từ cho đến khi cảm nhận có sức căng cơ vùng sau đùi (gân cơ khoeo)
- Giữ 20 giây, sau đó thả lỏng
- Lặp lại 5 lần mỗi bên chân
Bài tập cơ bụng
- Nằm ngửa trên sàn nhà với 2 gối gấp và 2 tay để sau đầu, khuỷu tay mở rộng sang 2 bên
- Gồng chặt cơ bụng và nâng đầu và 2 vai lên
- Giữ lưng thẳng trên sàn và giữ đầu 2 giây
- Hạ thấp xuống từ từ và làm lại đủ 5 lần.
Cầu thăng bằng
- Nằm ngửa, 2 tay duỗi thẳng, bàn chân áp sát mặt sàn, 2 gối gấp
- Gồng chắc cơ bụng và cơ mông sau đó nâng khung chậu lên để tạo thành 1 đường thẳng từ vai –> gối.
- Giữ nguyên tư thế đó 15 giây. Sau đó từ từ quay về tư thế ban đầu và làm lại 5 lần.
Bài tập vắt chéo chân (Căng giãn cơ quả lê)
- Nằm ngửa gấp 2 gối
- Bắt chéo chân qua đùi sang bên chân đối diện
- Kéo gối bên đối diện về phía ngực cho đến khi cảm nhận sức căng ở sau mông hoặc vùng hông
- Giữ 20 giây, sau đó thả lỏng
- Lặp lại 5 lần mỗi bên chân
- Sau khi tập những bài tập trên 1-2 ngày. Bạn có thể ngồi dậy dễ dàng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Việc ngồi dậy và nằm xuống đúng cách giúp bạn tránh các cơn đau do co cơ hoặc sai tư thế ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
- Khi người bệnh có thể đứng dậy
Bài tập cơ lưng và tựa tường
- Đứng tựa lưng sát vào tường
- 2 chân cách tường 30 cm
- Gồng cơ bụng chặt trong khi co 2 chân tới 450
- Giữ nguyên tư thế này trong 5 giây
- Từ từ quay trở lại tư thế đứng thẳng
- Lặp lại 10 lần động tác như trên
Nhún gót chân
- Đứng thẳng dồn đều trọng lượng lên 2 chân
- Từ từ nhún mũi chân để nâng gót lên khỏi nền nhà
- Giữ 5 giây
- Từ từ hạ dần mũi chân duống nền nhà
- Lặp lại 10 lần
Ngồi dậy và nằm xuống (HÌNH 12)
- Dịch toàn bộ người sát mép giường
- Nghiêng toàn bộ người sang một bên (bên Phải)
- Sử dụng bàn tay trái và khuỷu tay phải để đẩy người lên.
- Từ từ thả chân xuống giường trong khi tay đang đẩy thân mình lên để đưa về tư thế ngồi.
- Nhích tới mép giường và đặt cả 2 chân xuống nền nhà.
- Nằm xuống làm ngược lại theo quy trình trên.
THỜI KHÓA BIỂU TẬP LUYỆN THẾ NÀO?
Bạn nên bắt đầu tập 3 lần một ngày, mỗi lần tập 5 – 10 lần cho mỗi động tác theo hướng dẫn cụ thể của mỗi bài tập
Lưu ý: Chất lượng động tác tập quan trọng hơn là số lượng tập
KHI NÀO TÔI CÓ THỂ QUAY LẠI HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG?
Khi xuất viện, bạn nên tiếp tục các bài tập nói trên, bạn nên từ từ tăng dần mức độ tập phụ thuộc vào sự thích hợp của cơ thể. Khi đã quen với các bài tập, các hoạt động của cơ thể sẽ dễ dàng hơn.
Bạn nên tránh mang vác các vật nặng quá 10 kg trong vòng 4 – 6 tuần sau mổ.
KHI NÀO TÔI CÓ THỂ CHƠI THỂ THAO TRỞ LẠI?
Những môn thể thao đối kháng nên tránh trong giai đoạn hồi phục. Thông thường có thể chơi trở lại sau 10 tuần sau mổ. Tuy nhiên trước khi chơi thể thao trở lại bạn nên bắt đầu một số bài tập khác trước như đi bộ, đạp xe hoặc tập gym nhẹ nhàng. Chạy bộ có thể bắt đầu sau 10 tuần, bạn sẽ tập tăng dần theo thời gian và quãng đường qua vài tuần sau đó.
KHI NÀO TÔI CÓ THỂ QUAY TRỞ LẠI VỚI CÔNG VIỆC?
Bạn nên nghỉ ngơi đủ thời gian trong quá trình hồi phục sau mổ. Các chuyên gia khuyên bạn nên nghỉ ngơi 6 tuần sau mổ. Nếu công việc ngồi bàn giấy nhiều có thể quay trở lại công việc sau mổ 4 tuần. Những công việc đòi hỏi hoạt động tay chân nhiều, thời gian quay trở lại có thể dao động trong khoảng 8 – 12 tuần.
Bạn nên đặt mục tiêu để quay lại từ từ với công việc trước đó. Tốt nhất là nên cân nhắc làm bán thời gian trong những ngày đầu quay trở lại công việc.
TÔI CÓ THỂ NGỒI BAO LÂU?
Bạn không nên ngồi lâu quá mức, thông thường là từ 30 phút – 1 tiếng. Bạn nên đứng dậy và đi lại để thay đổi tư thế.
KHI NÀO TÔI CÓ THỂ LÁI XE?
Bạn có thể bắt đâu lái xe trở lại khi bạn cảm thấy thoải mái và đủ tự tin với việc vận hành phương thiện và khi bạn có thể thực hiện được việc dừng phương tiện khẩn cấp. Thường cùng thời gian với thời điểm quay trở lại với công việc.
Tuy nhiên chúng tôi khuyên bạn không nên lái xe ngay trong thời gian còn đang dùng thuốc vì có 1 số loại thuốc ảnh hưởng đến thần kinh hoặc là chậm khả năng đáp ứng. Đặc biệt tránh nếu bạn có triệu chứng yếu chân, tê bì chân hoặc bàn chân.
Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi hoặc vấn đề gì cần giải đáp, vui lòng liên hệ số điện thoại Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống – Bệnh viện Bạch Mai
Số điện thoại: 0246 253 7694
Hoặc Email: ctchhanhchinh@gmail.com
Hoặc khám – tư vấn trực tiếp tại Phòng khám số 1 – Tầng 1 nhà 21 tầng (Nhà Q)