Con đường để hồi phục sau mổ cột sống cổ: Giới thiệu

Con đường để hồi phục sau mổ cột sống cổ

1. GIỚI THIỆU

– Bước đầu tiên trong con đường để hồi phục là bạn phải học cách đóng một vai trò tích cực trong việc chăm sóc của bạn.

– Trước khi tiến hành phẫu thuật, điều quan trọng là bạn phải trở thành người ủng hộ cho chính mình. Nghĩa là hãy chắc chắn bạn đã hiểu về cuộc phẫu thuật và những gì sẽ xảy ra trong những tuần và tháng tiếp theo

– Vì vậy, bạn phải “chủ động”. Điều này nghĩa là bạn nên tìm kiếm các thông tin và sự giúp đỡ từ các nhân viên y tế xung quanh bạn. Bạn nên là người kiểm soát, đưa ra quyết định và tìm con đường tốt nhất để phục hồi. Việc không chủ có thể dẫn đến nguy cơ bạn bị người khác đưa ra quyết định thay mình.

– Những quyết định này có thể không vì lợi ích tốt nhất của bạn và gia đình bạn.

– Thành công khi trở thành người chủ động phụ thuộc vào việc bạn biết các quyền của mình với tư cách là bệnh nhân.

Các quyền này là:

 Quyền được chăm sóc chu đáo và tôn trọng.

 Quyền có được thông tin đầy đủ và hiện tại liên quan đến phẫu thuật của bạn.

 Quyền nhận thông tin cần thiết để đưa ra sự đồng ý trước khi phẫu thuật của bạn.

 Quyền được thông báo về hậu quả y tế của phẫu thuật.

 Quyền được xem xét về quyền riêng tư liên quan đến chăm sóc.

– Điều quan trọng hơn tất cả là: “QUYỀN ĐƯỢC ĐẶT CÂU HỎI”

– Chúng tôi biết ý tưởng phẫu thuật có thể gây lo lắng và để lại cho bạn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Câu hỏi của bạn là cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi và chúng tôi hi vọng rằng chúng tôi có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày trước và sau khi phẫu thuật.

– Mục đích của chúng tôi khi xây dựng tập sách này là cho phép bạn tham gia vào quá trình phẫu thuật và phục hồi như bác sĩ phẫu thuật và các nhân viên y tế của bạn.

– Chúng tôi tiếp cận phẫu thuật với tư cách là một đội với bạn là cầu thủ giá trị nhất.

– Mỗi cuộc phẫu thuật khá khác so với lần tiếp theo và điều quan trọng là bạn và bác sĩ phẫu thuật của bạn phải biết những gì mong đợi ở nhau.

2. CÁC LOẠI PHẪU THUẬT VÙNG CỔ

2.1. Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm và kết hợp xương cột sống cổ lối trước (ACDF – Anterior Cervical Discectomy and Fusion) là gì?

– Những thay đổi thoái hóa, hoặc viêm khớp, ở cổ của bạn có thể gây đau cũng như phình hoặc thoát vị đĩa đệm. Đau lan xuống cánh tay có thể do phồng đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm chèn ép vào các rễ thần kinh. Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm là loại bỏ mảnh đĩa đệm hoặc toàn bộ đĩa đệm gây áp lực lên dây thần kinh hoặc tủy sống là nguyên nhân khiến cánh tay của bạn bị tê bì, dị cảm, đau hoặc yếu.

– Sự cố định cột sống cổ phía trước giúp ổn định các đốt sống của cột sống, làm vững các đốt sống. Xương nhân tạo hoặc xương lấy từ xương cánh chậu sẽ được sử dụng để ghép xương. Phần xương ghép được đưa vào giữa các đốt sống, nơi đĩa đệm đã được lấy ra. Một nẹp và các vít được đặt vào để cố định các đốt sống cổ. Phẫu thuật sẽ kéo dài khoảng 1 đến 3 giờ tùy từng bệnh nhân và tùy vào số đĩa đệm phải cắt bỏ. Bạn sẽ ở trong bệnh viện 5-10 ngày.

Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm và kết hợp xương cột sống cổ lối trước
Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm và kết hợp xương cột sống cổ lối trước

2.2. Phẫu thuật cố định cột sống cổ lối sau (PCF – Posterior Cervical Fusion) là gì?

Như đã mô tả ở trên, sự cố định cột sống là làm vững các đốt sống . Vết mổ được thực hiện ở phía sau cổ (gáy) của bạn. Các gai xương và cung sau đốt sống có thể được loại bỏ cho phép ống sống được mở rộng để có thêm không giang cho các dây thần kinh của bạn hoạt động. Xương tự thân được lấy từ khu vực gai sau hoặc có thể là xương từ mào chậu, hoặc xương nhân tạo sẽ được sử dụng để ghép xương. Các vít và các thanh dọc được đặt vào 2 bên các đốt sống để cố định cột sống. Phẫu thuật sẽ kéo dài khoảng 1 đến 3 giờ.

Bạn sẽ ở lại viện trong 7-10 ngày.

Phẫu thuật cố định cột sống cổ lối sau
Phẫu thuật cố định cột sống cổ lối sau

3. CHUẨN BỊ CHO PHẪU THUẬT

Bất kể bạn chuẩn bị trải qua quy trình phẫu thuật nào, có những hướng dẫn chung sẽ giúp bạn chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật sắp tới. Sự hợp tác của bạn được đánh giá rất cao trong nỗ lực chung này.

Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu những gì bạn mong đợi từ cuộc phẫu thuật

Nhiều người sẽ bị đau cổ cũng như đau cánh tay. Đảm bảo rằng bạn thảo luận về các mục tiêu của phẫu thuật với bác sĩ phẫu thuật của bạn. Nếu bạn đang bị đau cả cổ và cánh tay, khả năng phẫu thuật giải quyết cơn đau ở cánh tay là rất cao so với việc giảm đau cổ.

Dừng hút thuốc lá

Nếu bạn đang hút thuốc, chúng tôi khuyên bạn nên bỏ hút thuốc ít nhất 1 tháng trước khi phẫu thuật. Nicotine, ở bất kỳ hình thức nào, đều là chất cản trở quá trình chữa lành và liền xương, các sản phẩm cai thuốc lá như kẹo cao su Nicorette® hoặc miếng dán nicotine cũng phải được ngừng sử dụng. Xin vui lòng thảo luận về kế hoạch cai thuốc lá với bác sĩ y tế của bạn. Có những loại thuốc mới để giúp giải quyết vấn đề này.

Làm các xét nghiệm cơ bản: trong vòng 30 ngày trước khi phẫu thuật (tốt nhất là tất cả các xét nghiệm đều được làm ở Bệnh viện Bạch Mai.

  • Tổng phân tích tế bào máu, sinh hóa máu cơ bản
  • Chức năng đông máu cơ bản
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Điện tim 12 chuyển đạo
  • Xquang ngực thẳng, siêu âm ổ bụng tổng quát
  • Các xét nghiệm vi sinh: HBsAg, HBV, HIV
  • Khám tim mạch, siêu âm tim với những bệnh nhân cao tuổi hoặc có bệnh lý nền tim mạch (Tăng huyết áp, suy tim…)

Hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi phẫu thuật: (tốt nhất là hỏi lời tư vấn từ các bác sĩ của bạn).

– Bạn sẽ được yêu cầu dừng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, Naprosyn, Celebrex, Mobic, Indocin, Lodine … từ 7-10 ngày trước phẫu thuật.

– Bạn cần dừng các thuốc chống đông như coumadin, Plavix, Lovenox, Aspirin… hãy hỏi bác sĩ của bạn về cách dùng các thuốc đó như thế nào và các thuốc thay thế trước và sau khi phẫu thuật.

– Vui lòng NGỪNG dùng bất kỳ chất thảo dược và một số vitamin nhất định 7-10 ngày trước khi phẫu thuật, bao gồm: Tỏi, Nhân sâm, Gingko Biloba, Vitamin E và Vitamin C, vì chúng có xu hướng làm loãng máu của bạn.

– Với bệnh nhân tiểu đường không nên uống bất kỳ loại thuốc hạ đường huyết và sản phẩm insulin nào vào buổi sáng ngày phẫu thuật. Metformin (Glucophage) là chất quan trọng nhất cần tránh.

– Bạn không nên dùng bất kỳ loại thuốc lợi tiểu nào vào buổi sáng ngày phẫu thuật (bao gồm Lasix, HCTZ) (Trừ khi bạn bị suy tim sung huyết)

– Nếu bạn bị tăng huyết áp, không nên dùng bất kỳ thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể vào buổi sáng phẫu thuật. Ví dụ bao gồm Lisinopril, Lotrel, Captopril, Lotensin, Monopril, Prinzide, Atacand, Benicar, Diovan và Avalide.

Thực hiện các công việc sau trước khi phẫu thuật

– Đảm bảo bạn xem lại các bài tập và hạn chế sau phẫu thuật, bao gồm không cúi, vặn người và nâng nặng hơn 2,5Kg.

– Sắp xếp để một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè chăm sóc bạn tại nhà và giúp bạn trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật. Tùy loại phẫu thuật bạn có sẽ xác định khoảng thời gian bạn cần trợ giúp.

– Nếu cuộc mổ của bạn được sắp xếp và có kế hoạch, bạn cần đến viện trước ít nhất 1 ngày để kiểm tra các xét nghiệm, thủ tục giấy tờ cần thiết và bác sĩ gây mê sẽ khám bạn trước khi phẫu thuật để lên kế hoạch gây mê khi mổ cho bạn.

– Sắp xếp để có người đưa bạn đến nhập viện và đón bạn sau khi xuất viện, có người thân trong gia đình ở viện trước ngày mổ để được nghe giải thích về tình trạng bệnh cách thức mổ và ký các giấy tờ cần thiết. Bạn sẽ không thể tự lái xe về nhà vào ngày xuất viện.

– Bác sĩ phẫu thuật và nhân viên của bạn sẽ gửi cho bạn danh sách các loại thuốc cần tránh trước khi phẫu thuật. Vui lòng đặc biệt chú ý đến thông tin này vì bạn sẽ phải ngừng một số loại thuốc 5-7 ngày trước khi phẫu thuật.

– Bạn sẽ phải nhịn ăn vào đêm trước khi phẫu thuật, và sẽ được hướng dẫn trước khi phẫu thuật. Bạn không nên uống hoặc ăn gì sau nửa đêm trước khi phẫu thuật.

– Vui lòng làm theo hướng dẫn đính kèm về việc làm sạch vết mổ trước khi phẫu thuật. Một số bác sĩ phẫu thuật sẽ yêu cầu bạn sử dụng Chlorhexadine, một chất tẩy rửa da sát trùng.

– Chỉ mang các đồ dùng thiết yếu cho thời gian nằm viện của bạn. Vui lòng không mang bất kỳ vật dụng có giá trị nào đến bệnh viện. Bạn nên mang theo giày thể thao và quần áo thoải mái có chun.

4. VÀO NGÀY PHẪU THUẬT

Điều gì sẽ xảy ra ở khu vực tiền phẫu (khi bạn vào khu mổ và trước khi bạn lên bàn mổ)

Bạn cũng sẽ gặp bác sĩ gây mê trước khi phẫu thuật. Họ sẽ bắt đầu đặt đường truyền tĩnh mạch cũng như đặt tất áp lực vào chân của bạn. Bạn sẽ mang tất áp lực trong suốt thời gian nằm viện cũng như 1 đến 2 tuần sau khi xuất viện. Loại tất này giúp tránh phù chân và chống hình thành huyết khối ở tĩnh mạch chân.

Sau khi bạn được gây mê, một ống thông foley có thể sẽ được đặt vào để làm rỗng bàng quang của bạn trong khi phẫu thuật. Một thời gian ngắn sau cuộc phẫu thuật và khi bạn rời khỏi giường, ống thông này sẽ được rút ra.

Bạn sẽ đi đâu ngay sau khi phẫu thuật?

Sau khi phẫu thuật kết thúc, bạn sẽ được chuyển đến phòng hồi sức sau mổ. Khi bạn đã ổn định bạn sẽ được chuyển về khoa điều trị chỉnh hình vào cùng ngày phẫu thuật. Tại khoa bạn sẽ nằm điều trị tại phòng hậu phẫu cho đến khi tình trạng sức khỏe ổn định và chuyển về các phòng điều trị.

Nếu cuộc mổ của bạn kéo dài và nặng bạn sẽ được chuyển đến khoa hồi sức ngoại sau khi mổ, bạn sẽ mất khoảng 1 đêm cho đến khi đủ ổn định để được chuyển về khoa điều trị.

5. NHỮNG NGÀY SAU PHẪU THUẬT TẠI VIỆN

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được khuyên không được vặn hoặc cúi người. Tránh ưỡn cổ hoặc cúi cằm xuống sát ngực sau khi phẫu thuật.

Bạn có thể cần hoặc không cần nẹp cổ sau khi phẫu thuật. Quyết định được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật và phụ thuộc vào loại phẫu thuật cũng như số đĩa đệm đốt sống được phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ thông báo cho bạn nếu cần phải nẹp và nhân viên y tế sẽ chuẩn bị cho bạn khi ở bệnh viện.

Trong những ngày sau cuộc phẫu thuật của bạn, các nhân viên y tế của khoa và nhân viên phục hồi chức năng sẽ làm việc với bạn khi ở trong bệnh viện. Họ sẽ cung cấp cho bạn các bài tập để lấy lại sức lực của bạn và các thiết bị hỗ trợ để giúp bạn quay trở lại các hoạt động hàng ngày của mình, chẳng hạn gậy hoặc khung tập đi để hỗ trợ việc đi bộ an toàn. Họ cũng sẽ dạy bạn cách rời khỏi giường và ngồi vào ghế. Khi bạn đã rời khỏi giường và ngồi vào ghế, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ cùng bạn bắt đầu tập đi. Điều này thường xảy ra vào ngày đầu đến ngày thứ 2 sau phẫu thuật của bạn. Khi bạn đã đi bộ được trong phòng, bạn sẽ được hướng dẫn để lên xuống cầu thang.

Vấn đề giảm đau và chế độ ăn sau mổ?

Ngay sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được dùng các thuốc giảm đau qua đường tĩnh mạch. Bạn có thể được sử dụng phương pháp giảm đau PCA (Thuốc giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát). Phương pháp này cho phép bạn kiểm soát thuốc của chính mình. 2 đến 3 ngày sau mổ khi cơn đau giảm và bạn đã uống được thì giảm đau PCA sẽ được bỏ và chuyển sang dùng các thuốc giảm đau đường uống.

Khi bạn uống được, chế độ ăn uống của bạn sẽ được thay đổi từ từ (từ lỏng đến đặc dần) cho đến khi bạn sẵn sàng cho bữa ăn bình thường trở lại.

MỘT SỐ BÀI TẬP BẠN SẼ LÀM KHI NẰM VIỆN

một số bài tập bạn sẽ làm khi nằm viên
Một số bài tập bạn sẽ làm khi nằm viện
Một số bài tập bạn sẽ làm khi nằm viện (tiếp)
Một số bài tập bạn sẽ làm khi nằm viện (tiếp)

6. TRỞ VỀ NHÀ SAU KHI PHẪU THUẬT

Hầu hết mọi người sẽ được xuất viện về nhà sau khi phẫu thuật. Nhưng đối với một số trường hợp, cần phải được tập phục hồi chức năng tại cơ sở y tế trước khi trở về nhà. Bệnh viện Bạch Mai có Trung tâm Phục hồi chức năng và bảo hiểm của bạn có thể chi trả cho thời gian điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn và giường bệnh của Trung tâm phục hồi chức năng, bạn cũng có thể được chuyển về các trung tâm phục hồi chức năng của các bệnh viện tỉnh hoặc những nơi khác tùy thuộc vào nhu cầu của bạn.

Thuốc giảm đau

Khi xuất viện bạn sẽ được kê thuốc giảm đau. Đảm bảo uống nhiều nước, uống thuốc làm mềm phân được kê đơn và tăng lượng chất xơ trong khi dùng thuốc giảm đau vì chúng có xu hướng gây táo bón. Các thuốc giảm đau sẽ được giảm dần và mục tiêu sau 3 tháng bạn phải dừng hết tất cả các thuốc giảm đau. Nếu sau 3 tháng bạn vẫn phải dùng thuốc nghĩa là bạn đã bị phụ thuộc thuốc hoặc cuộc phẫu thuật không hiệu quả hoặc có các vấn đề khác, hãy liên hệ với bác sĩ phẫu thuật của bạn để được khám và tư vấn

Không để táo bón tiến triển hơn 2 ngày mà không can thiệp.

Chăm sóc vết mổ

Xin hãy ghi nhớ: ** Nếu bạn nhận thấy bất kỳ hiện tượng nào như tăng tiết dịch, mẩn đỏ, sưng tấy vùng vết mổ hoặc sốt từ 38,5 độ C trở lên, vui lòng gọi ngay cho bác sĩ phẫu thuật của bạn hoặc đến phòng cấp cứu.

Với mổ cột sống cổ lối trước (ACDF) vết mổ của bạn sẽ ở phía trước cổ thường là bên phải, khâu luồn dưới da, có thể bằng chỉ tiêu hoặc không tiêu, hãy hỏi bác sĩ phẫu thuật của bạn để được tư vấn. Nếu là chỉ không tiêu bạn phải rút chỉ sau 10-14 ngày.

Với mổ cột sống cổ lối sau, vết mổ của bạn sẽ được khâu bằng các mũi chỉ rời không tiêu hoặc bằng chỉ thép, bạn phải cắt bỏ sau 10-14 ngày. Vết mổ phía sau có nguy cơ nhiễm trùng cao do vết mổ dài và mồ hôi thấm từ vùng gáy. Chú ý không để ướt vết mổ, nằm phòng có nhiệt độ mát tránh để bạn vã mồ hôi, vệ sinh nẹp cổ (nếu có) thường xuyên.

Bạn có thể cắt chỉ ở các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhà tuy nhiên phải đảm bảo vô trùng.

Chế độ ăn

Bạn nên ăn các đồ ăn mềm trong 2 tuần đầu. Ví dụ gồm cơm, rau nấu chín và protein lắc, sữa chua, bánh pudding, kem (không có hạt hoặc granola), trái cây mềm. Tránh thực phẩm như khoai tây chiên, kẹo bơ cứng, đậu phộng giòn, các loại hạt, pho mát cứng, thịt dai (gà, bò) và rau sống giòn.

Về quan hệ tình dục

Bạn có thể tiếp tục hoạt động tình dục khi bạn cảm thấy có hứng thú. Bạn có thể thấy một số tư thế sẽ thoải mái hơn những tư thế khác. Bạn nên thận trọng và chú ý và quy tắc số một là an toàn và có đừng làm bạn đau.

Lái xe

Bạn có thể lái xe khi bạn cảm thấy thoải mái, muốn lái và không dùng thuốc giảm đau có chất gây nghiện, hoặc sau khi bác sĩ phẫu thuật của bạn cho phép. Điều này thường là 2 đến 3 tuần sau khi phẫu thuật. Thuốc giảm đau gây nghiện sẽ làm chậm thời gian phản xạ của bạn. Trước tiên, hãy bắt đầu với những chuyến đi ngắn và ra khỏi xe sau mỗi 30 đến 45 phút để đi bộ xung quanh và định vị lại vị trí.

“Điều quan trọng bạn cần biết là nếu bạn bị tai nạn và trong khi bạn đang đeo nẹp cổ, thì bạn là người có lỗi”.

Quay trở lại làm việc

Đương nhiên, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và yếu sau khi phẫu thuật. Bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được bản thân và khỏe lên sau 2 đến 3 tuần và cải thiện trong những tuần tiếp theo. Bạn nên nói với sếp của mình rằng bạn sẽ nghỉ việc khoảng 8 đến 12 tuần nhưng có thể trở lại sớm hơn.

Đi bộ

Đi bộ là hoạt động tốt nhất bạn có thể làm trong 6 tuần đầu sau phẫu thuật. Bạn nên bắt đầu từ từ và đi bộ 30 phút ít nhất hai lần một ngày.

Đừng quên những hạn chế của bạn trong 6 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Bạn cần tránh các động tác nghiêng hoặc cúi ngửa cổ quá mức. Bạn cũng cần tránh nâng, đẩy hoặc kéo các vật lớn hơn 2.5 đến 5Kg.

Việc hạn chế nâng vật nặng và hạn chế hoạt động sẽ dần được loại bỏ khi bạn dần khỏi bệnh. Nhớ giữ cột sống của bạn ở vị trí trung gian và duy trì tư thế tốt trong suốt cả ngày.

Sau đây là các động tác bạn nên và không nên làm trong các sinh hoạt hàng ngày

Các động tác bạn nên và không nên làm trong các sinh hoạt hàng ngày
Các động tác bạn nên và không nên làm trong các sinh hoạt hàng ngày

Bạn cũng sẽ cần kỹ thuật thích hợp để nâng các vật nhẹ. Kỹ thuật phù hợp là điều cần thiết để giảm đau và khó chịu.

Cách tốt nhất để nâng một vật là như sau:

– Đứng gần đối tượng, hai chân đặt chắc chắn và tư thế rộng.

– Quỳ đầu gối xuống và giữ lưng thẳng.

– Đảm bảo bạn cầm chắc chắn vào vật và giữ vật đó càng gần bạn càng tốt.

– Nâng vật bằng cách từ từ duỗi thẳng đầu gối và tránh gập cơ thể.

– Khi đứng thẳng, chuyển bàn chân để quay thay vì vặn mình.

Các động tác bạn nên và không nên làm trong các sinh hoạt hàng ngày (tiếp)
Các động tác bạn nên và không nên làm trong các sinh hoạt hàng ngày (tiếp)

7. NGỦ SAU KHI MỔ

Tư thế ngủ tốt nhất để giảm đau sau khi phẫu thuật là nằm ngửa, gập đầu gối và kê gối dưới khoeo chân hoặc nằm nghiêng và kê gối giữa hai chân. Nếu ngủ nghiêng làm bạn thấy thoải mái nhất, hãy đảm bảo hai chân của bạn nằm chồng lên nhau, gối gấp hoặc hơi đưa chân về phía trước. Tránh kê đầu gối lên giường và kê tay dưới cổ và đầu khi ngủ. Đặt một chiếc gối phía sau lưng và hông đẻ giúp bạn giữ nguyên tư thế này. Khi nằm ngửa, bạn nên tránh ngủ trong tư thế ôm đầu vì điều này gây căng quá nhiều lên vai và cổ của bạn. Cả hai tư thế đều giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống và lưng thấp. Bạn không nên nằm sấp.

Thay đổi vị trí trên giường có thể rất khó khăn cho những người sau khi phẫu thuật. Để giảm bớt sự khó chịu, hãy luôn sử dụng tư thế Logroll khi xoay người. Logroll có nghĩa là giữ cho lưng của bạn thẳng và tránh bị vặn khi lăn từ bên này sang bên kia và nằm ngửa.

Logroll cũng có thể được sử dụng để ra vào giường. Nếu ra khỏi giường ở phía bên phải – hãy Logrol người sang bên phải và dùng tay trái để đẩy người lên bằng khuỷu tay phải. Từ từ thả cẳng chân xuống khỏi giường khi bạn đẩy người lên bằng tay phải và vào tư thế ngồi. Di chuyển đến mép giường và đặt cả hai chân xuống sàn. Sử dụng chân chứ không phải lưng để đến tư thế đứng.

8. NGỒI SAU KHI PHẪU THUẬT

Ngồi nhiều sẽ gây áp lực cho lưng và có thể bị đau sau khi phẫu thuật. Điều quan trọng là phải duy trì các đường cong bình thường của cột sống khi ngồi để giúp giảm thiểu áp lực này, vì việc chùng hoặc trượt xuống ghế sẽ gây áp lực không cần thiết cho lưng của bạn. Để tránh thõng vai, hãy giữ tai, vai và hông của bạn thẳng hàng. Hãy chắc chắn rằng bạn có một chiếc ghế thích hợp phù hợp với bạn. Chọn một chiếc ghế có khả năng hỗ trợ phần thắt lưng của bạn và cho phép bàn chân của bạn nằm phẳng trên sàn với đầu gối ngang với hông. Sau khi phẫu thuật, tránh ngồi trên ghế mềm và trên ghế dài nơi hông của bạn hạ xuống dưới đầu gối. Nếu ghế quá cao đối với bạn, hãy đặt chân của bạn trên một chiếc ghế đẩu hoặc hộp nhỏ để giúp duy trì tư thế ngồi đúng. Thường xuyên nghỉ ngơi bằng cách đứng lên và vươn vai sau mỗi 30 đến 45 phút

NGỒI LÀM VIỆC SAU KHI PHẪU THUẬT

Nếu làm việc tại bàn làm việc sau khi phẫu thuật, có một chiếc ghế xoay hoặc xoay sẽ tốt hơn là cố vặn người để tiếp cận các đồ vật. Nếu bạn cần xoay người, hãy thử di chuyển cơ thể như một khối vị duy nhất. Giữ cho hông và bàn chân của bạn hướng về cùng một hướng khi bạn đang di chuyển. Nếu bạn có điện thoại liên tục vặn để trả lời, hãy di chuyển điện thoại để nó ở trước mặt bạn. Khi bạn đang nghe điện thoại, không dùng đầu để giữ ống nghe. Nâng đỡ cánh tay đang cầm điện thoại bằng cách đặt khuỷu tay đó lên bàn hoặc chỗ tựa tay và giữ cho cổ của bạn thẳng hàng. Bạn cũng có thể nên xem xét sử dụng tai nghe nếu bạn đang sử dụng điện thoại khá thường xuyên. Các vật dụng phải luôn được đặt trong tầm nhìn và dễ tiếp cận và bàn phím phải được đặt ngay trước mặt bạn. Những cuốn sách nặng nên được sắp xếp gần và không quá đầu trên giá.

9. 6 TUẦN SAU KHI PHẪU THUẬT

Đây là thời điểm bạn cần đến khám lại sau mổ (thông thường người bệnh đã nằm viện khoảng 10 ngày sau mổ nên giấy hẹn khám lại sau mổ của bạn sẽ sau 1 tháng kể từ ngày ra viện). Hãy liên hệ trước với bác sĩ phẫu thuật của bạn hoặc gọi đến khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống Bệnh viện Bạch Mai theo số hotline để đặt lịch khám và được khám nhanh nhất.

Tập vật lý trị liệu

Vào cuộc hẹn tái khám 6 tuần tại phòng khám, bạn có thể được hướng dẫn các bài tập cổ để bắt đầu tại nhà. Bạn cũng có thể được hướng dẫn để điều trị vật lý trị liệu ngoại trú, tùy thuộc vào mức độ hồi phục của bạn cho đến thời điểm đó. Bạn có thể đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu mà bạn chọn. Cho đến thời điểm đó, hãy tập trung vào việc đi bộ.

Một số bài tập tại nhà

Bài tập cúi cổ có kháng lực. Tư thế đứng hoặc ngồi. Đặt bàn tay (một hoặc cả hai tay) của bạn lên trán. Cúi đầu của bạn về phía trước kháng lại lực từ bàn tay của bạn mà không di chuyển. Giữ và đếm đến 10 (7 giây). Thư giãn. Lặp lại 3 lần.

Bài tập ngửa cổ có kháng lực. Tư thế đứng hoặc ngồi. Đặt bàn tay (một hoặc cả hai tay) của bạn sau đầu – không phải cổ. Đẩy đầu của bạn về phía sau vào (các) lòng bàn tay của bạn mà không di chuyển. Giữ và đếm đến 10 (7 giây). Thư giãn. Lặp lại 3 lần.

Bài tập nghiêng cổ có đối lực. Tư thế đứng hoặc ngồi. Đặt tay phải của bạn lên phía bên phải của đầu. Nghiêng đầu của bạn sang phải kháng lại lực từ bàn tay của bạn mà không di chuyển đầu. Giữ và đếm đến 10 (7 giây). Thư giãn. Lặp lại theo hướng ngược lại với tay trái của bạn trên thái dương trái của bạn. Giữ và đếm đến 10 (7 giây). Thư giãn. Lặp lại trình tự 3 lần.

Điều gì xảy ra nếu kỳ vọng phẫu thuật của bạn không được như mong muốn?

– Trước tiên, hãy thảo luận về các triệu chứng của bạn với phẫu thuật viên của bạn.

– Chúng tôi có thể yêu cầu chụp MRI hoặc CT mới.

– Chúng tôi có thể cung cấp cho bạn giấy giới thiệu đến một chuyên gia điều trị về đau.

Điều tốt nhất cần làm là giữ tinh thần lạc quan và tiếp tục hoạt động bình thường. Đi bộ là một cách tuyệt vời để tăng mức năng lượng và giảm đau và cứng khớp.

Ngay cả khi ca phẫu thuật không thành công 100%, có lẽ bạn đã tốt hơn so với trước khi phẫu thuật. Đừng nản chí. Thái độ của chính bạn và cách tiếp cận chủ động với việc chăm sóc của bạn sẽ dẫn đến việc phục hồi nhanh hơn.

Hãy nhớ rằng, như chúng tôi đã đề cập trước đây, cơ hội phẫu thuật giải quyết cơn đau cánh tay của bạn là rất cao so với việc giảm đau cổ. Nhiều người vẫn có một số cơn đau cổ sau khi phẫu thuật.

Đừng ngừng làm việc nếu bạn vẫn còn đau, chỉ cần tìm một cách dễ dàng hơn để thực hiện chúng. Không vận động sẽ khiến bạn bị căng cứng và dẫn đến đau nhức và khó chịu hơn. Cố gắng thiết lập thói quen tập thể dục hàng ngày. Nếu bạn không có thời gian để tập thể dục, hãy thử những gợi ý hữu ích sau:

– Đi cầu thang bộ thay vì thang máy

– Đỗ xe cách xa cơ quan hoặc trung tâm mua sắm và đi bộ đến lối vào

– Đứng dậy vươn vai hàng giờ khi ngồi vào bàn làm việc


086 9587728

ĐẶT LỊCH KHÁM

Đóng

LIÊN HỆ VỚI CHUYÊN GIA TRỊ TÁO BÓN

Đóng