ĐAU DÂY THẦN KINH TỌA – Bác sĩ Lê Đăng Tân

ĐAU DÂY THẦN KINH TỌA

Được biên soạn bởi bác sĩ Lê Đăng Tân

Tổng quan

Thần kinh tọa là gì?

Thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất (đường kính gần 2cm) được tạo nên bởi các rễ thần kinh của tủy sống thắt lưng cùng (L4, L5, S1, S2, S3), đi từ vùng thắt lưng theo mặt sau đùi và khoeo đến gót, bàn ngón chân. Dây thần kinh tọa chi phối cảm giác, dinh dưỡng và vận động cho phần lớn chi dưới, chủ yếu là cẳng chân.

Hình ảnh dây thần kinh tọa
Hình ảnh dây thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa là cơn đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Khi có một nguyên nhân nào đó gây tổn thương, viêm hoặc chèn ép lên dây thần kinh tọa, nó có thể kích hoạt cơn đau từ vùng thắt lưng đến hông, mặt sau đùi và cẳng chân; thường chỉ đau một bên chân; đau tăng lên khi ngồi, ho hoặc hắt hơi; cùng với đó chân cũng có thể bị tê bì, dị cảm hoặc yếu. Những triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Trên 90% bệnh nhân bị đau thần kinh tọa có thể hồi phục mà không cần phẫu thuật.

Đau thần kinh tọa còn có tên gọi khác là thoát vị đĩa đệm.

Hình ảnh đau dây thần kinh tọa
Hình ảnh đau dây thần kinh tọa

Nguyên nhân

Bất kỳ bệnh lý nào tác động lên thần kinh tọa (chèn ém, viêm) đều có thể gây ra các triệu chứng của đau thần kinh tọa. Các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa có thể gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm hoặc phình đĩa đệm cột sống thắt lưng (là phổ biến nhất).
  • Hẹp ống sống thắt lưng (hay gặp ở người cao tuổi).
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng.
  • Trượt đốt sống thắt lưng.
  • Viêm hoặc căng cơ cạnh sống, khung chậu có thể tác động đến các rễ thắt lưng hoặc cùng của dây thần kinh tọa và gây đau thần kinh tọa.
  • Viêm cột sống do vi khuẩn, lao hoặc viêm cột sống dính khớp
  • Các khối u cột sống hoặc cạnh sống chèn ép thần kinh.
  • Máu tụ hoặc áp xe ngoài màng cứng tủy vùng lưng.
  • Chấn thương cột sống hoặc khung chậu

Dịch tễ học

Một số đặc điểm dịch tễ học của đau dây thần kinh tọa gồm:

  • Không liên quan đến giới tính
  • Hay gặp trong độ tuổi từ 30-40
  • Hiếm khi xảy ra trước 20 tuổi trừ trường hợp chấn thương
  • Tỷ lệ mắc bệnh trọn đời 10%-40%
  • Tỷ lệ mắc bệnh hàng năm từ 1%-5%
  • Không có mối liên hệ nào với chiều cao và cân nặng trừ ở nhóm tuổi 50-60
  • Các hoạt động thể chất làm tăng tỉ lệ bị đau trở lại ở những người đã bị đau thần kinh tọa trước đó và làm giảm tỉ lệ bị ở những người chưa từng bị đau thần kinh tọa trước đó.
  • Bệnh hay gặp ở những người làm nghề vận hành máy móc, tài xế xe tải và nhũng người làm các công việc có tư thế xấu với cột sống như dân lao động, khuân vác nặng…

Lâm sàng

– Đau thần kinh tọa có thể khởi phát đột ngột, cấp tính hoặc từ từ theo kiểu bán cấp hoặc mạn tính, thường khởi phát có yếu tố cơ học như sau một tác động gắng sức như khuân vác vật nặng, sau khi ngã, chấn thương.

– Hội chứng cột sống:

  • Biến dạng cột sống: theo tư thế chống đau: bệnh nhân vẹo người về phía bị đau (nếu nguyên nhân là thoát vị đĩa đệm sau bên); bệnh nhân vẹo người về phía không đau (nếu nguyên nhân là thoát vị đĩa đệm ở lỗ liên hợp).
  • Đau cột sống thắt lưng, co cứng cơ cạnh sống bên đau.
  • Giảm biên độ vận động cột sống: các động tác cúi, ngửa, nghiêng và xoay cột sống đều bị hạn chế do đau.

– Hội chứng rễ:

  • Đau kiểu rễ thần kinh: cơn đau lan dọc theo đường đi của rễ thần kinh tương ứng trong thần kinh tọa; đau khi ấn vào các điểm dọc đường đi của dây thần kinh tọa (hệ thống điểm Valleix): điểm giữa ụ ngồi và mấu chuyển lớn xương đùi, điểm giữa nếp lằn mông, điểm giữa mặt sau đùi, điểm giữa nếp lằn khoeo chân, điểm  đầu trên xương mác, điểm giữa bắp chân, điểm giữa mắt cá ngoài.
  • Đau tăng khi làm các dâu hiệu căng rễ: dấu hiệu Lasègue (bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng; bác sĩ một tay đỡ ở cổ chân bệnh nhân, một tay đặt trước gối đễ giữ chân ở tư thế duỗi thẳng, từ từ nâng cao chân bệnh nhân lên tới khi bệnh nhân đau dọc từ lưng xuống chân thì dừng lại, xác định góc giữa chân bệnh nhân và mặt giường; sau đó gấp gối bệnh nhân lại thì đỡ đau) dấu hiệu này dương tính khi góc đo được là dưới 70 độ.

– Rối loạn cảm giác: tại vùng da chi phối của rễ thần kinh tổn thương thường giảm hoặc mất cảm giác hoặc tê bì, kiến bò, nóng rát ở mặt sau ngoài đùi mặt sau ngoài cẳng chân, bàn chân.

– Rối loạn vận động: yếu các cơ theo chi phối của rễ thần kinh: bệnh nhân có thể không gấp được mu chân hoặc không đứng được trên gót, đi dép lê hay bị rơi (tổn thương rễ L5); bệnh nhân có thể không đứng được trên mũi chân (tổn thương rễ S1)

Cận lâm sàng

Xquang cột sống thắt lưng thẳng nghiêng hoặc gập ưỡn:

  • Giúp định hướng một số nguyên nhân như: thoái hóa cột sống, viêm cột sống, trượt đốt sống, lao cột sống, chấn thương cột sống.
  • Một số đặc điểm gợi ý thoát vị đĩa đệm như: vẹo cột sống trên phim thẳng, mất đường cong sinh lý trên phim nghiêng, hẹp khe gian đốt sống.

Cắt lớp vi tính: ít giá trị trong chẩn đoán chủ yếu để bác sĩ tham khảo khi phẫu thuật.

Cộng hưởng từ: đây là xét nghiệm số một để đánh giá nguyên nhân của đau thần kinh tọa, vừa để chẩn đoán nguyên nhân, chẩn đoán phân biệt, và lên kế hoạch điều trị cũng như kế hoạch phẫu thuật nếu có chỉ định.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh nào có thể nhầm với đau dây thần kinh tọa?

  • Đau thần kinh đùi: đau mặt trước đùi, mặt trước trong cẳng chân, giảm hoặc mất phản xạ gân bánh chè.
  • Đau khớp cùng chậu: vị trí đau tương tự như đau thần kinh tọa, tuy nhiên khi ấn các điểm dọc thần kinh tọa không đau, đau khi làm nghiệm pháp giãn cánh chậu (ấn vào 2 mào chậu) và một số nghiệm pháp phát hiện đau khớp cùng chậu.
  • Thoái hóa khớp háng: đau có tính chất cơ học, đau nhiều khi đi lại, vị trí đau ở trước đùi, nếp bẹn, lan xuống dưới mặt trước trong đùi; khám có giảm biên độ vận động khớp háng. Phân biệt với đau thần kinh tọa bằng nghiệm pháp Patrick hay nghiệm pháp FABERE (Flexion, Abduction, External Rotation và Extension) dương tính: tư thế bệnh nhân gấp chân bên nghi tổn thương lên gối chân bên kia để duỗi, người khám đặt một tay cố định lên gai chậu trước trên bên không đau, tay kia đặt trên gối gấp sau đó nhấn xuống, nghiệm pháp dương tính khi bệnh nhân kêu đau.
  • Hội chứng cơ hình lê (Piriformis muscle syndrome): Cơ hình lê đi từ xương cùng đến bám ở đỉnh mấu chuyển lớn; nằm phía sau khớp háng; giúp cố định khớp háng, nâng và xoay đùi ra ngoài. Thần kinh tọa nằm ngay phía trước cơ hình lê; chính sự gần gũi này làm cho bất kỳ tổn thương hoặc viêm của cơ hình lê đều có thể gây ra triệu chứng của đau dây thần kinh tọa. Thường gặp ở người chạy bộ nhiều hoặc vận động viên điền kinh do sử dụng quá mức gây chấn thương và viêm cơ hình lê. Bệnh nhân bị đau tăng khi đi lên cầu thang hoặc xoay ngoài khớp háng do đó làm giảm tầm vận động của khớp háng.
    Hội chứng cơ hình lê
    Hội chứng cơ hình lê

 

Điều trị

Điều trị nội khoa (trên 90% bệnh nhân chỉ cần điều trị nội khoa mà không phải mổ)

Điều trị nội khoa đau thần kinh tọa gồm:

– Bất động: chỉ trong trường hợp thoát vị cấp và bất động tương đối trên phản cứng; tư thế bệnh nhân nằm ngửa, gối và háng gấp nhẹ để chùng cơ (có thể dùng gối đệm vào vùng khoeo). Thời gian thường từ 1-2 ngày.

– Điều trị thuốc

  • Thuốc giảm đau kháng viêm NSAID: như arcoxia, voltaren…
  • Thuốc giãn cơ: như Myonal…
  • Vitamin nhóm B
  • Thuốc giảm đau thần kinh: như garbapentin, pregabalin…
  • Kháng sinh trong trường hợp nghi nhiễm trùng

Điều trị vật lý trị liệu đau thần kinh tọa

  • Nhiệt trị liệu (hồng ngoại, sóng ngắn), điện trị liệu, siêu âm trị liệu…
  • Tác động cơ học bằng cách kéo giãn cột sống, tác động cột sống (nắn cột sống, Phương pháp Chiropractic), vận động trị liệu (chương trình tập Williams)…
  • Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.

Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật trong đau thần kinh tọa chỉ đặt ra trong các trường hợp:

Khi có nguyên nhân gây chèn ép rễ thần kinh rõ ràng trên phim cộng hưởng từ và tương xứng với lâm sàng hoặc có các đặc điểm lâm sàng:

  • Không đáp ứng với điều trị nội khoa từ 3-6 tháng
  • Liệt rễ thần kinh hoặc teo cơ
  • Đau tái phát nhiều lần
  • Có hội chứng đuôi ngựa.

Các bài tập vận động trị liệu:

Người bệnh nằm ngửa

  • Gồng cơ tứ đầu đùi
  • Tập cổ chân
  • Động tác ưỡn lưng
  • Động tác tam giác và tam giác biến thể.

Người bệnh nằm ngửa, háng và gối gập: Tập gồng cơ bụng.

Người bệnh nằm sấp:

  • Gồng cơ mông
  • Ngẩng đầu lên, xoay đầu
  • Nhấc từng chân lên, hạ xuống
  • Gập, duỗi gối từng bên và 2 bên cùng lúc
  • Tập để sau gáy, nhấc đầu và vai lên

Người bệnh quỳ (chống 2 tay và 2 gối):

  • Đưa từng chân lên, hạ xuống
  • Động tác chào mặt trời

Người bệnh ngồi duỗi thẳng 2 chân. Hai tay và thân mình vươn tới bàn chân, đầu ngón tay cố chạm vào đầu ngón chân.

Chú ý khi tập:

  • Bắt đầu từ động tác dễ, nhẹ (gồng cơ) tiến dần đến các động tác nặng, khó hơn.
  • Khi bắt đầu tập một động tác mới, người thầy thuốc phải có mặt để theo dõi, đánh giá, trợ giúp cho người bệnh, tránh tình trạng quá sức

11 bài tập giúp giảm đau nhanh khi bị đau thần kinh tọa

Tự điểu chỉnh khớp cùng chậu

Tự điểu chỉnh khớp cùng chậu
Tự điểu chỉnh khớp cùng chậu

Trên hình thể hiện cơn đau ở phía bên trái của bạn. Nằm trên sàn nhà hoặc bề mặt cứng, phẳng, gấp gối và đùi lên như hình, tay trái đặt phía trên đầu gối trái, tay phải đặt dưới đầu gối bên đối diện.

Tự điểu chỉnh khớp cùng chậu
Tự điểu chỉnh khớp cùng chậu

Ấn chân vào tay tương cùng bên với lực tăng dần; giữ trong 3-5 giây sau đó thả ra từ từ. lặp lại động tác trên từ 2-3 lần

Ép gối tĩnh

Ép gối tĩnh
Ép gối tĩnh

Người bệnh nằm, gối chống lên 90 độ, đặt 1 chiếc gối dày giữa 2 đầu gối, hai đùi ép vào gối nhẹ nhàngvbằng các cơ mặt trong đùi trong 15 giây, lặp lại 3 lần.

Chú ý: không co thắt dạ dày và căng cơ bụng trong khi ép.

Ép gối về phía ngực

Ép gối về phía ngực
Ép gối về phía ngực

Đưa cả 2 đầu gối về phía ngực, bắt đầu bằng cách nâng 1 bên, sau đó giữ đầu gối bằng cả 2 tay, nâng gối bên kia lên, giữ chặt cả 2 gối, ép về phía ngực, giữ trong 30 giây.

Xoay cột sống.

Xoay cột sống
Xoay cột sống

Nằm ngửa, 2 chân chống trên sàn phẳng, nhẹ nhàng xoay 2 đầu gối nghiêng sang một bên, đảm bảo giữ cho hông luôn tiếp xúc với sàn, dùng cơ bụng để giữ đầu gối và đùi sau đó kéo về phía trung tâm; lặp lại với bên đối diện. Lặp lại khoảng 10-20 lần.

Động tác xoay cột sống để giảm đau khớp cùng chậu

Động tác xoay cột sống để giảm đau khớp cùng chậu
Động tác xoay cột sống để giảm đau khớp cùng chậu

Giả sử đau khớp cùng chậu Phải, thực hiện động tác này sang trái. Gấp gối phải lên, chân trái duỗi thẳng, đặt tay phải lên gai chậu sau trên và ấn về phía đầu gối trong khi đang căng sang bên trái, giữ trong 15-20 giây.

Bài tập cầu thăng bằng

Bài tập cầu thăng bằng
Bài tập cầu thăng bằng

Nằm ngửa với hông và gối tạo thành góc 90 độ, 2 bàn chân đặt trên sàn và 2 tay chống 2 bên; hít sâu và khi thở ra thì nâng mông lên khỏi sàn đến khi vai, hông và gối tạo thành 1 đường thẳng; giữ tư thế này trong 5 nhịp thở và đưa về vị trí ban đầu; lặp lại 10 lần.

Bài tập Dead Bug

Bài tập Dead Bug
Bài tập Dead Bug

Bài tập này có lợi cho sức khỏe nói chung và giúp vững vùng cột sống lưng. Bắt đầu bằng tư thế nằm ngửa, đưa 2 tay song song và vuông góc về phía trần nhà, gấp gối và đùi 90 độ, giữ cho cẳng chân song song với sàn, đây là tư thế bắt đầu. Bắt đầu đưa cánh tay phải lên đầu đồng thời thả chân trái sao cho chân chỉ lơ lửng trên sàn.

Bài tập Dead Bug
Bài tập Dead Bug

Tạm dừng sau đó đưa chân và cánh tay về vị trí bắt đầu và lặp lại với bên đối diện, lặp lại 8-10 lần mỗi bên sau nghỉ ngơi; làm 2 đến 3 lần như vậy.

Bài tập Press Up

Bài tập Press Up
Bài tập Press Up

Nằm sấp, ấn lòng bàn tay xuống  sàn và nâng phần trên thân mình lên, giữ hông và khung chậu sát với sàn, uống còn toàn bộ cột sống từ xương cùng đến cổ; giữ trong 2 giây sau đấy về tư thế bắt đầu; lặp lại 10 lần.

Bài tập Kneeling Superman (Bird Dog Pose)

Bài tập Kneeling Superman (Bird Dog Pose)
Bài tập Kneeling Superman (Bird Dog Pose)

Tư thế bắt đầu bằng chống cả 2 tay và 2 chân trên gối; nâng, duỗi chân và tay bên đối diện cùng lúc, giữ trong 10 giây, nghỉ 20 giây và làm với bên đối diện.

Bài tập gấu bò tại chỗ.

Bài tập gấu bò tại chỗ.
Bài tập gấu bò tại chỗ.

Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh và khả năng vận động của hông. Tư thế bắt đầu bằng chống cả 2 tay và 2 chân trên đầu gối; giữ vai trên tay, gối gấp 90 độ, sau đó nhún các ngón chân lên; không uốn cong lưng, cơ bụng căng và tham gia vào động tác; giữ tư thế này toàn bộ thời gian. Đi bằng tay trái và chận phải tiến về trước vài inch; dừng và quay lại vị trí ban đầu; tiếp theo đổi bên và quay lại vị trí ban đầu kết thúc 1 lần lặp; làm lại 10 lần như vậy.

Bài tập Child’s Pose

Bài tập Child’s Pose
Bài tập Child’s Pose

Bắt đầu với tư thế chống cả 2 tay và 2 chân trên đầu gối; 2 tay duỗi thẳng phía trước mặt đồng thời ngồi xuống; mông ở phía trên nhưng không chạm vào gót chân; giữ tư thế này trong 5 nhịp thở.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Davis D, Maini K, Vasudevan A. Sciatica. [Updated 2020 Apr 27]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2020 Jan.

Lagerbäck T, Fritzell P, Hägg O, Nordvall D, Lønne G, Solberg TK, Andersen MØ, Eiskjær S, Gehrchen M, Jacobs WC, van Hooff ML, Gerdhem P. Effectiveness of surgery for sciatica with disc herniation is not substantially affected by differences in surgical incidences among three countries: results from the Danish, Swedish and Norwegian spine registries. Eur Spine J. 2019 Nov;28(11):2562-2571.

Alrwaily M, Almutiri M, Schneider M. Assessment of variability in traction interventions for patients with low back pain: a systematic review. Chiropr Man Therap. 2018;26:35.

Ro TH, Edmonds L. Diagnosis and Management of Piriformis Syndrome: A Rare Anatomic Variant Analyzed by Magnetic Resonance Imaging. J Clin Imaging Sci. 2018;8:6.

Lassere MN, Johnson KR, Thom J, Pickard G, Smerdely P. Protocol of the randomised placebo controlled pilot trial of the management of acute sciatica (SCIATICA): a feasibility study. BMJ Open. 2018 Jul 05;8(7):e020435.

Jia H, Lubetkin EI, Barile JP, Horner-Johnson W, DeMichele K, Stark DS, Zack MM, Thompson WW. Quality-adjusted Life Years (QALY) for 15 Chronic Conditions and Combinations of Conditions Among US Adults Aged 65 and Older. Med Care. 2018 Aug;56(8):740-74.


086 9587728

ĐẶT LỊCH KHÁM

Đóng

LIÊN HỆ VỚI CHUYÊN GIA TRỊ TÁO BÓN

Đóng