Được biên soạn bởi Bác sĩ Vũ Xuân Phước
Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống bệnh viện Bạch Mai
Giải phẫu – Sinh lý
– Cột sống: là một cột xương bao gồm nhiều đốt sống chồng lên nhau (33 đến 35 đốt sống: 7 đốt sống cổ – Cervical, 12 đốt sống ngực – Thoracic, 5 đốt sống thắt lưng – Lumbar, 5 đốt sống cùng – Sacral, 4 đến 6 đốt sống cụt – Coccygeal)
Cột sống có 3 chức năng chính:
- Nâng đỡ cơ thể
- Tham gia vận động
- Bảo vệ tủy sống, rễ thần kinh
– Tủy sống là phần thần kinh trung ương nằm trong ống sống, có 3 chức năng dẫn truyền (dẫn truyền các tín hiệu từ các cơ quan về não và từ não đến các cơ quan):
- Dẫn truyền vận động (co, duỗi)
- Dẫn truyền cảm giác (tê bì, đau, nóng, lạnh,…)
- Chức năng phản xạ
Tại mỗi đốt sống, tủy sống tách ra 1 đôi rễ thần kinh đi qua lỗ liên hợp (đường ra) đi đến chi phối cho 1 vùng nhất định của cơ thể.
Các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh (chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh), gây hẹp ống sống hoặc lỗ liên hợp (đường ra của rễ thần kinh) sẽ gây ra các triệu chứng: đau, tê bì dọc theo rễ thần kinh chi phối, yếu hoặc liệt vận động rễ thần kinh, rối loạn đại tiểu tiện. Các nguyên nhân có thể gặp: thoát vị đĩa đệm, phì đại dây chằng vàng, dây chằng dọc sau, phì đại thoái hóa xương, khớp, trượt đốt sống, khối u, áp xe, …
– Đĩa đệm: Đĩa đệm có hình thấu kính hai mặt lồi, nằm giữa hai đốt sống. Cấu trúc của đĩa đệm bao gồm 3 phần: Nhân nhày, vòng sợi và mâm sụn
Nhân nhày (Nucleus pulposus): Nằm ở trung tâm của đĩa đệm, hơi lệch ra phía sau do vòng sợi phía sau mỏng hơn phía trước. Nhân nhày chứa chất gelatin dạng sợi có đặc tính ưa nước, tỷ lệ nước rất cao (cao nhất lúc mới sinh và giảm dần theo tuổi). Nhân nhày có độ căng phồng và giãn nở tốt do đó giữ vai trò hấp thu chấn động theo trục thẳng đứng (giống lò xo giảm xóc) và di chuyển như một viên bi trong các động tác gập, duỗi, nghiêng và xoay của cột sống. Nhân nhày di chuyển theo hướng ngược lại với hướng vận động của cột sống (khi gập người, nhân nhày chuyển động về phía sau và đĩa đệm hẹp lại ở phía trước, khi nghiêng phải, đĩa đệm di chuyển sang trái và ngược lại,…)
Vòng sợi (bao xơ – annulus tibrosus): Bao gồm nhiều sợi sụn rất chắc và đàn hồi đan ngược vào nhau theo kiểu xoắn ốc, xếp thành nhiều lớp đồng tâm tạo thành đường tròn chu vi của đĩa đệm vào bao quanh nhân nhày giúp nhân nhày không bị trôi (thoát vị) ra ngoài vị trí bình thường
Mâm sụn (cartilagenous plate): Là hai tấm sụn trong được cấu tạo bằng hợp chất sụn hyalin. Mâm sụn gắn chặt vào phần trung tâm của hai mặt trên và dưới của hai thân đốt sống liền kề. Mặt kia của mâm sụn gắn vào nhân nhày và vòng sợi. Mâm sụn có những lỗ nhỏ như lỗ sàng có tác dụng nuôi dưỡng đĩa đệm và bào vệ đĩa đệm khỏi nhiễm khuẩn từ xương đi tới.
Khái niệm
Thoát vị đĩa đệm (Herniated Disc) là hiện tượng dịch chuyển khối nhân nhày khỏi vị trí bình thường (trung tâm đĩa đệm) thoát ra ngoài vỏ bao xơ theo một hoặc nhiều vết nứt rách ở vòng sợi. Nhân nhày này có thể chèn ép vào trong ống sống (chứa tủy sống, rễ thần kinh) hoặc vào lỗ liên hợp (đường ra của rễ thần kinh) gây ra các triệu chứng chèn ép thần kinh trên lâm sàng
– Phân loại thoát vị:
Theo vị trí khối thoát vị có 3 loại:
- Thoát vị đĩa đệm trung tâm: khối thoát vị giữa ống sống. Nếu khối thoát vị nhẹ không gây chèn ép tủy (với cột sống cổ) hay rễ thần kinh (với cột sống thắt lưng). Nếu khối thoát vị lớn sẽ gây hẹp ống sống, chèn ép tủy hoặc rễ thần kinh.
- Thoát vị đĩa đệm sau bên (cạnh trung tâm): khối thoát vị đĩa đệm nằm lệch sau bên phải hoặc bên trái trong ống sống. Khi đó khối thoát vị thường gây chèn ép rễ thần kinh bên phải hoặc trái
- Thoát vị đĩa đệm qua lỗ liên hợp: khối thoát vị nằm ở vị trí lỗ liên hợp, khi đó khối thoát vị chèn ép đường ra rễ thần kinh cùng bên thoát vị
Theo vị trí nhân nhày so với đĩa đệm:
- Thoát vị đĩa đệm ra sau: Thường gặp nhất và gây chèn ép thần kinh. Do trọng lực cơ thể dồn chủ yếu 2/3 trước đĩa đệm – đốt sống và do vòng xơ đĩa đệm phía sau mỏng hơn phía trước do đó dễ bị rách dẫn đến thoát vị
- Thoát vị đĩa đệm ra trước: Ít gặp, thường không gây đau do không chèn ép thần kinh
- Thoát vị đĩa đệm vào thân đốt sống (Thoát vị đĩa đệm nội xốp): Không gây chèn ép thần kinh nhưng hay gây đau lưng
Theo giai đoạn: có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 – Phình đĩa đệm: Vòng xơ vẫn bình thường tuy nhiên nhân nhày có xu hướng biến dạng. Giai đoạn này thường không gây chèn ép thần kinh mag gây ra các cơn đau lưng.
- Giai đoạn 2 – Lồi đĩa đệm: Vòng xơ bị suy yếu, bị rách nhưng chưa hết chiều dày vòng xơ. Nhân nhày vẫn nằm trong bao xơ nhưng tạo thành ổ lồi khu trú. Giai đoạn này ngoài đau lưng một số bệnh nhân có biểu hiện chèn ép thần kinh
- Giai đoạn 3 – Thoát vị đĩa đệm thực thụ: Bao xơ bị rách hoàn toàn, nhân nhày và các tổ chức khác thoát ra khỏi bao xơ nhưng vẫn là một khối với nhau. Giai đoạn này thường gây chèn ép thần kinh rõ, người bệnh đau nhiều, dữ dội, tê bị, hạn chế vận động.
- Giai đoạn 4 – Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời: Khi khối thoát vị lớn, nhân nhày thoát ra ngoài lâu ngày có hiện tượng tách khỏi đĩa đệm di trú lên trên hoặc xuống dưới. Giai đoạn này thường người bệnh đau đớn rất nhiều, teo chân hoặc rối loạn đại tiểu tiện.
Tùy thuộc vị trí của thoát vị so với thần kinh mà có thể có các triệu chứng lâm sàng khác nhau không phụ thuộc giai đoạn (có trường hợp giai đoạn 3 nhưng vị trí trung tâm không gây chèn ép rễ thần kinh không gây đau nhưng cũng có trường hợp giai đoạn 2 nhưng ở vị trí lỗ liên hợp gây chèn ép thần kinh và gây đau,…). Cột sống cổ và cột sống thắt lưng là phần cột sống di động, linh hoạt, mức độ vận động nhiều do đó hay gặp thoái hóa, thoát vị đĩa đệm tại vị trí này hơn cột sống ngực (phần cột sống ít đi động, cố định hai bên bởi lồng ngực). Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gặp nhiều hơn cột sống cổ do cột sống thắt lưng chịu tải trọng lớn hơn cộng sống cổ.
Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng của thoát vị đĩa đệm tùy thuộc vào giai đoạn, vị trí và mức độ khối thoát vị có chèn ép thần kinh hay không
– Giai đoạn sớm: chủ yếu đau tại chỗ (hay gặp giai đoạn 1, 2)
- Đau cổ vai gáy, đau cột sống thắt lưng
- Đau có thể kèm theo căng cứng cơ vùng cổ hoặc thắt lưng
– Giai đoạn chèn ép thần kinh
- Đau, tê bì lan xuống tay (với thoát vị đĩa đệm cổ), hoặc lan xuống chân (với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng)
- Đau kiểu bỏng rát liên tục dọc theo rễ thần kinh chi phối, dùng thuốc giảm đau thông thường thường không đỡ
- Đau tăng khi đi lại, ho hoặc hắt hơi (do tăng áp lực trong ống sống dẫn đến tăng chèn ép thần kinh)
- Yếu tay, chân hoặc mất vận động nếu chèn ép mức độ nặng
- Rối loạn đại tiểu tiện: bí tiểu, tiểu không tự chủ
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm:
– Nguyên nhân phổ biến là tư thế sai trong lao động, vận động và hoạt động. Cơn đau thường xuất hiện khi ta nhấc vật nặng ở tư thế không phù hợp. Tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng sai cách đặc biệt hay gặp nhất là việc bê vác vật nặng. Ví dụ: Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương cột sống lưng, thoát vị đĩa đệm. Không chỉ bê vác nặng, mà nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hoá khớp, trật khớp
– Nguyên nhân do thoái hoá tự nhiên: Theo tuổi thời gian các đĩa đệm sẽ thoái hóa, mất nước, nhân nhày bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa dần trở nên kém linh hoạt, giảm sự đàn hồi, các bao xơ dễ bị rách, hoặc vỡ. Trên cơ sở đó nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống (chấn thương, gắng sức…), nhân nhày có thể qua chỗ rách của bao xơ thoát vị ra ngoài chui vào ống sống, chèn ép rễ thần kinh gây đau.
– Nguyên nhân do bị tai nạn hay các chấn thương cột sống.
– Ngoài ra, những bệnh lý bẩm sinh từ nhỏ như hẹp ống sống, thoát vị nhân tủy,… cũng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm ở nhiều người.
– Tổn thương đĩa đệm cũng có thể do nguyên nhân di truyền. Nếu bố mẹ có đĩa đệm yếu do bất thường về cấu trúc thì con cái cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm.
Các yếu nguy cơ
– Cân nặng: Thừa cân gây tăng trọng lượng, áp lực lên các đĩa đệm làm tăng nguy cơ thoái hóa, thoát vị đĩa đệm
– Nghề nghiệp: lao động chân tay, mang vác nặng gây tăng áp lực cho đĩa đệm
– Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng lượng CO2, giảm O2 trong máu và do đó giảm việc cung cấp O2 cho đĩa đệm khiến đĩa đệm nhanh bị thoái hóa và tổn thương.
Các biến chứng
Các biến chứng nặng của thoát vị đĩa đệm xảy ra khi khối thoát vị chèn ép thần kinh nhiều:
– Đau, tê chân tay nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày
– Rối loại đại tiểu tiện: tiểu không tự chủ, bí tiểu, táo bón
– Teo cơ, liệt vận động tay hoặc chân hoặc cả hai
Điều trị
Điều trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào giai đoạn, vị trí thoát vị, mức độ chèn ép thần kinh và biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Tùy thuộc giai đoạn, mức độ cụ thể thăm khám trên lâm sàng trên từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ quyết định điều trị nội khoa hay can thiệp phẫu thuật
Điều trị nội khoa
- Phương pháp: Dùng thuốc (giảm đau, giãn cơ) kết hợp vật lý trị liệu (kéo dãn cột sống, xoa bóp, laser, châm cứu)
- Mục đích: giảm viêm, giảm co thắt mạch máu, giảm co cơ và giảm chèn ép thần kinh
- Chỉ định: với thoát vị giai đoạn 1, giai đoạn 2 (khi nhân vòng xơ chưa bị rách hoàn toàn, nhân nhày chưa di chuyển khỏi bao xơ)
Điều trị phẫu thuật
– Chỉ định:
- Thoát vị đĩa đệm giai đoạn 3, 4 (rách hoàn toàn vòng xơ, nhân nhày di chuyển khỏi bao xơ). Giai đoạn này không thể điều trị nội khoa do nhân nhày khi đã dịch chuyển ra khỏi bao xơ không thể tiêu biên nếu dùng thuốc hoặc không thể trở lại vị trí bình thường trong đĩa đệm
- Điều trị nội khoa sau 3 tháng không cải thiện
– Mục đích: lấy khối thoát vị, giải phóng chèn ép thần kinh
– Các phương pháp phẫu thuật tùy thuộc từng trường hợp cụ thể, dựa trên triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh mà các bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp để giải quyết thoát vị đĩa đệm:
- Nội soi lấy thoát vị đĩa đệm
- Mổ mở nhỏ (2-3 cm) lấy thoát vị đĩa đệm
- Lấy bỏ đĩa đệm, ghép xương và cố định cột sống
Phòng ngừa
– Tập thể dục thường xuyên: giúp tăng sức mạnh và sự dẻo dai cơ bắp, giúp ổn định và hỗ trợ cột sống
– Duy trì tư thế sinh hoạt hàng ngày đúng cách: Điều này giúp làm giảm áp lực lên đĩa đệm, cột sống
– Duy trì cân nặng hợp lý
– Từ bỏ việc hút thuốc lá