Phẫu thuật điều trị trượt đốt sống thắt lưng: Khái niệm, Biểu hiện

Phẫu thuật điều trị trượt đốt sống thắt lưng

1. Thế nào là trượt đốt sống thắt lưng?

Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng dịch chuyển của đốt sống phía trên so với đốt sống phía dưới (trượt ra trước hoặc ra sau). Tình trạng này khiến bệnh nhân đau thắt lưng, đi đứng khó khăn, khi có chèn ép thần kinh thường đau lan xuống một hoặc hai chân.

Đốt sống bình thường và Trượt đốt sống
Đốt sống bình thường và Trượt đốt sống

2. Nguyên nhân và các mức độ trượt đốt sống

• Nguyên nhân: bẩm sinh, khuyết eo đốt sống, thoái hóa, do bệnh lý, chấn thương và sau phẫu thuật.

•  Các mức độ trượt đốt sống:

– Độ 1: trượt 0 – 25% thân đốt sống.

– Độ 2: trượt 26 – 50% thân đốt sống.

– Độ 3: trượt 51 – 75% thân đốt sống.

– Độ 4: trượt 76 – 100% thân đốt sống.

– Độ 5: trượt hoàn toàn

Phân loại mức độ trượt đốt sống (Meyerding)
Phân loại mức độ trượt đốt sống (Meyerding)

3. Dấu hiệu của trượt đốt sống như thế nào?

• Giai đoạn đầu: thường không có triệu chứng hoặc chỉ đau lưng thoáng qua.

• Giai đoạn đau thắt lưng:

+ Đau lưng nhiều, đau khi đi, đứng lâu, cúi ngửa cột sống, đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân, đôi khi kèm tê, đau tăng lên khi ho, hắt hơi.

+ Đau tăng khi đứng, đi bộ, lao động… nằm nghỉ thì hết hoặc giảm đau.

+ Thay đổi tư thế khó khăn, đôi khi có thể sờ thấy điểm trượt vùng cột sống thắt lưng.

• Giai đoạn nặng:

+ Thay đổi tư thế và dáng đi, co cứng cơ ở thắt lưng, mặt trong đùi, đi hơi khom lưng, có thể kèm theo vẹo cột sống sang bên.

+ Đau mạn tính từng đợt, đau theo cơn và các cơn đau ngày càng xuất hiện dày lên. Khi người bệnh sử dụng áo nẹp cột sống thì triệu chứng này giảm rõ rệt.

+ Dấu hiệu đau cách hồi (đau khi đi bộ, vì đau phải dừng lại, hết đau mới đi tiếp, đang đi vì đau lại phải nghỉ, hết đau lại đi) kết hợp với các biểu hiện tê bì, căng đau cả hai chân khi đi bộ.

4. Làm thế nào để phát hiện trượt đốt sống thắt lưng?

•  Khi có các triệu chứng như trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chụp chiếu cần thiết để chẩn đoán bệnh: chụp X-quang, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ.

5. Phương pháp phẫu thuật điều trị trượt đốt sống thắt lưng như thế nào?

• Chỉ định:

+ Trượt đốt sống đã điều trị bảo tồn mà không giảm, ảnh hưởng sinh hoạt và lao động.

+ Bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các biện pháp nghỉ ngơi và dùng thuốc.

+ Trượt đốt sống gây các biến chứng: liệt vận động một hoặc hai chân, teo cơ, bí tiểu,…

+ Trượt đốt sống nặng, tiến triển.

• Mục đích: giải phóng chèn ép thần kinh, làm vững cột sống trượt.

Phẫu thuật nắn chỉnh trượt, cố định cột sống bằng nẹp vít cuống đốt, ghép xương liên thân đốt lối sau (TLIF) được cho là hiệu quả nhất, áp dụng phổ biến nhất để điều trị trượt đốt sống thắt lưng.

Trượt đốt sống L4L5 trước và sau mổ
Trượt đốt sống L4L5 trước và sau mổ

• Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai kỹ thuật cố định cột sống, hàn khớp liên thân đốt ít xâm lấn (MIS-TLIF) với các ưu điểm:

+ Vết mổ nhỏ (~2cm), ít đau

+ Ít làm tổn thương tổ chức, giảm mức độ chảy máu

+ Bệnh nhân đỡ đau, thời gian hồi phục ngắn

 


086 9587728

ĐẶT LỊCH KHÁM

Đóng

LIÊN HỆ VỚI CHUYÊN GIA TRỊ TÁO BÓN

Đóng